1. Giảm thuế GTGT trong năm 2022
Đây là một trong những chính sách đáng chú ý tại Nghị quyết 43 này. Cụ thể, về việc miễn, giảm thuế, khoản 1 Điều 3 Nghị quyết 43 nêu rõ:
- Mức giảm thuế giá trị gia tăng trong năm 2022: Giảm 2% cho các nhóm hàng hoá, dịch vụ đang áp dụng mức thuế giá trị gia tăng 10% xuống còn 8%.
- Không áp dụng mức giảm thuế giá trị gia tăng với các nhóm hàng hoá, dịch vụ: Viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Ngoài ra, chính sách miễn, giảm thuế tại Nghị quyết này còn cho phép tính khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp cho phòng, chống Covid-19 vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp của kỳ tính thuế 2022.
Với chính sách này, Bộ Tài chính ước tính ngân sách năm 2022 sẽ giảm khoảng hơn 49 tỷ đồng. Số tiền này sẽ phần nào góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức cũng như người dân vượt qua khó khăn do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.
2. Hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh
Ngoài giảm thuế giá trị gia tăng cho các loại dịch vụ, hàng hoá, để hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, điểm c khoản 1 Điều 3 Nghị quyết 43 còn hỗ trợ lãi suất cho vay như sau:
- Một số ngành, lĩnh vực quan trọng, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, phục hồi, để cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân mua, thuê, thuê mua được hỗ trợ lãi suất 2%/năm qua hệ thống các ngân hàng thương mại. Số lãi suất được hỗ trợ này tối đa 40 nghìn tỷ đồng.
- Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch được cấp vốn điều lệ tối đa 300 tỷ đồng.
- Tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn cũng như giảm lãi vay với khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
- Tiếp tục cấp vốn cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho người lao động thông qua việc cấp vốn cho ngân hàng Chính sách xã hội.
Trước đó, ngày 26/11/2021, tại Quyết định 1990/QĐ-TTg, Thủ tướng đã quyết định giảm 10% lãi suất vay cho các khoản vay còn dư nợ tại ngân hàng Chính sách xã hội từ 01/10/2021 đến hết ngày 31/12/2021.
Ngoài ra, Nghị quyết 68 hỗ trợ cho người sử dụng lao động vay vốn trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất tại Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0%.
3. Giảm lãi vay hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng Covid-19
Bên cạnh việc cho vay để hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, Nghị quyết 43 này còn quy định, tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên các nhóm nợ, miễn, giảm lãi vay cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Đồng thời, trong hai năm 2022 và 2023, Nghị quyết cũng đặt ra mục tiêu phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5 - 1% nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên thông qua thực hiện các nghiệp vụ thị trường mở, tái cấp vốn, tiết giảm chi phí hoạt động.
Bắt đầu từ cuối năm 2020, cả năm 2021 và hiện kéo dài sang tận năm 2022, đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến vô cùng phức tạp, ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển kinh tế, xã hội của nước ta. Kéo theo đó, nó cũng tác động đến nhiều đối tượng khách hàng trong việc trả nợ các khoản vay.
Hiện theo quy định tại Thông tư 14/2021/TT-NHNN, các khách hàng sẽ được giảm lãi suất cho vay từ 23/01/2021 - 30/6/2022 khi không có khả năng trả nợ đúng hạn do ảnh hưởng của Covid-19 và có số dư nợ phát sinh trước 01/8/2021 nhưng không gồm các khoản nợ từ mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp...
4. Các chính sách khác
Ngoài những chính sách nổi bật, đáng chú ý nêu trên, Nghị quyết 43 cũng đưa ra một số chính sách khác như:
- Hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đang ở thuê, trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm. Số tiền sử dụng khoảng 6,6 tỷ đồng từ tiết kiệm chi, tăng thu ngân sách Trung ương 2021.
- Hỗ trợ cá nhân vay mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới/cải tạo, sửa chữa nhà ở chính sách nhà ở xã hội, hỗ trợ việc làm... tối đa 38,4 nghìn tỷ đồng.
- Trang bị máy tính bảng cho trẻ em với số tiền sử dụng là 01 nghìn tỷ đồng...
Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 11/01/2022 - 31/12/2023.