Tìm kiếm tin tức
 
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Chủ động triển khai công tác ứng phó với siêu bão RAI
Ngày cập nhật 18/12/2021

Ngày 17/12, UBND tỉnh đã ban hành Công điện số 18/CĐ-UBND về việc chủ động triển khai công tác ứng phó với siêu bão RAI.

 

Hồi 01 giờ ngày 17/12/2021, vị trí tâm bão RAI ở khoảng 10,2 độ Vĩ Bắc; 122,0 độ Kinh Đông, ngay trên miền Trung Phi-líp-pin. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15 (165-185km/giờ), giật trên cấp 17.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km, cường độ suy yếu dần và đi vào Biển Đông. Đến 01 giờ ngày 18/12/2021 vị trí tâm bão ở khoảng 10,9 độ Vĩ Bắc; 117,0 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 280km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14 (135-165km/giờ), giật cấp 17.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1737/CĐ-TTg ngày 16/12/2021 về việc chủ động ứng phó khẩn cấp với siêu bão RAI, để hạn chế thấp nhất thiệt hại về tính mạng và tài sản của nhân dân, nhà nước, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương, đơn vị:

1. Thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến đường đi của bão, cảnh báo thiên tai trên các phương tiện thông tin đại chúng, không chủ quan, lơ là, bị động trước các tình huống thiên tai có thể xảy ra.

2. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên Huế, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện ven biển, Chi cục Thủy sản theo chức năng, nhiệm vụ:

- Tổ chức kêu gọi các phương tiện còn lại đang hoạt động trên biển vào nơi tránh trú an toàn; tổ chức sắp xếp, neo đậu tàu thuyền tại các khu neo đậu đảm bảo an toàn; cấm tất cả các phương tiện, tàu, thuyền ra biển hoạt động (bao gồm cả phương tiện bãi ngang) từ 09 giờ ngày 18/12/2021 cho đến khi có thông báo chính thức về thời tiết ổn định từ Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh.

- Sử dụng tất cả các hệ thống thông tin liên lạc hiện có thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để di chuyển, thoát ra khỏi khu vực ảnh hưởng nguy hiểm của bão hoặc vào nơi neo đậu an toàn.

3. UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế

- Khẩn trương gia cố đảm bảo an toàn nhà ở, cơ sở giáo dục, trường học, y tế, các chốt trạm y tế, khu cách ly y tế, công sở, các khu công nghiệp; gia cố, cắt tỉa cây xanh; đảm bảo an toàn hệ thống lưới điện, cơ sở hạ tầng trong điều kiện gió bão mạnh; đảm bảo an toàn hệ thống cần cẩu đang thi công; hệ thống thông tin liên lạc, các cột anten trên địa bàn. Chú ý các điều kiện an toàn, phòng chống tai nạn thương tích khi gia cố nhà ở, các công trình.

- Rà soát, có phương án sơ tán dân vùng ven biển, đầm phá; vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở ở vùng núi, vùng gò đồi, các khu vực trọng điểm; các vùng thấp trũng, ngập úng để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân và nhà nước.

- Tổ chức lực lượng hướng dẫn đảm bảo an toàn cho người và phương tiện qua các khu vực ngầm tràn, ngập úng; nghiêm cấm người dân vớt củi, đánh bắt cá trên sông, suối, hồ chứa.

- Có phương án gia cố đảm bảo an toàn cho các lồng, bè trên sông, đầm phá và các ao, hồ nuôi thủy sản cao triều, hạ triều ven biển, ven sông, suối. Tuyệt đối không để người ở lại trên tàu, thuyền, lồng bè khi gió mạnh, mưa lũ lớn.

4. Sở Y tế chỉ đạo các phòng ban chức năng hướng dẫn các địa phương đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 và an toàn thiên tai cho các địa điểm sơ tán, khu cách ly.

5. Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế theo dõi sát diễn biến của mưa lũ, bão để chủ động chỉ đạo các trường nghỉ học đảm bảo an toàn cho học sinh, cán bộ, giáo viên.

6. Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức kiểm tra, vận hành hệ thống thông tin liên lạc vô tuyến điện dự phòng phục vụ công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn giữa các đơn vị trên địa bàn; điều hành hệ thông tổng đài 19001075 hỗ trợ nhân dân; chỉ đạo Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh và cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường thời lượng, tần suất phát sóng đưa tin về bão, mưa lũ để các tổ chức, đơn vị, nhân dân chủ động phòng tránh.

7. Ban Quản lý khu kinh tế, công nghiệp tỉnh chủ động theo dõi tình hình diễn biến mưa bão đặc biệt là khu vực Chân Mây - Lăng Cô để thông báo, chỉ đạo các chủ doanh nghiệp kiểm tra chằng chống, bảo vệ tài sản, nhà xưởng phòng tránh lốc, gió mạnh.

8. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo

- Chỉ đạo Chi cục Thủy sản hướng dẫn các địa phương gia cố đảm bảo an toàn cho các lồng, bè trên sông, đầm phá và các ao, hồ nuôi thủy sản cao triều, hạ triều ven biển, ven sông, suối.  

- Các chủ công trình hồ chứa nước thủy lợi (đặc biệt là các hồ vùng cát, hồ đang thi công dỡ dang) tổ chức trực ban theo dõi diễn biến của mưa lũ, thực hiện nghiêm túc Quy trình vận hành đã được phê duyệt đảm bảo vận hành an toàn công trình và an toàn vùng hạ du; phải thông báo sớm cho các địa phương cảnh báo nhân dân vùng hạ du khi vận hành điều tiết xả lũ.

- Chi cục Chăn nuôi thú y có phương án bảo vệ, di chuyển các trang trại chăn nuôi an toàn.

- Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật có phương án bảo vệ cho diện tích hoa màu và bố trí lịch gieo trồng vụ Đông Xuân 2021-2022 phù hợp.

9. Sở Công Thương chỉ đạo rà soát phương án đảm bảo an toàn công trình và an toàn vùng hạ du theo quy định tại Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước.

10. Sở Xây dựng chủ động phối hợp với UBND cấp huyện triển khai thực hiện việc hướng dẫn, kiểm tra công tác bảo đảm an toàn về nhà ở, nhà cao tầng, tháp viễn thông, cột ăng ten, nhà máy, công trình, công trường đang thi công (nhất là giàn giáo, cần trục tháp, nhà cao tầng), chung cư cũ xuống cấp, công trình ngầm trước khi mưa bão xảy ra.

11. Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính, các tuyến đường vào các hồ chứa thủy lợi, thủy điện.

12. Chủ đầu tư các công trình đang thi công, đặc biệt là công trình ven biển tạm dừng thi công từ ngày 19/12/2021, có phương án đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, thiết bị, vật tư thi công; rút toàn bộ người, phương tiện ra khỏi khu vực nguy cơ sạt lở đất; đảm bảo an toàn công trình kiểm tra phương án chống va trôi đảm bảo công trình vùng hạ du, bố trí biển báo tại các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, đá để hướng dẫn đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông đi qua khu vực hiện trường thi công dở dang.

13. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Công an tỉnh và các địa phương sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời triển khai ứng cứu khi có yêu cầu; đảm bảo an toàn tại các khu cách ly y tế.

14. Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế tổ chức kiểm tra, gia cố hệ thống điện và có phương án đảm bảo an toàn lưới điện.

15. Lãnh đạo các sở, ban, ngành, thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp tổ chức kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo công tác ứng phó theo địa bàn đã được phân công.

16. Các đơn vị, địa phương tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ sẵn sàng ứng phó với mọi diễn biến xấu của thời tiết có thể xảy ra./.

Theo https://thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 4.654.985
Truy cập hiện tại 1.100