Tìm kiếm tin tức
 
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Chiến dịch Điện Biên Phủ - Sự hội tụ của ý Đảng - lòng dân trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954) (P2)
Ngày cập nhật 07/05/2019
Dân công hỏa tuyến thồ gạo ra chiến trường Điện Biên Phủ. Ảnh TL

Vấn đề tiếp theo là làm thế nào để vận chuyển một khối lượng lương thực, thực phẩm khổng lồ từ hậu phương ra tiền tuyến? Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định: “phải coi công tác giao thông vận tải là công tác trọng tâm đột xuất của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta”. Trung ương Đảng ra chỉ thị: “dân công cần thiết trong thời gian sắp tới là việc trọng yếu bậc nhất… Cho nên, Liên khu và tỉnh phải giải thích sâu rộng trong nhân dân để nhân dân tự giác ra sức phục vụ kháng chiến, phục vụ tiền tuyến”[3].

Thực hiện chủ trương của Đảng, lực lượng dân công của các địa phương đã được huy động đủ đáp ứng yêu cầu chiến dịch. Liên khu III tổ chức mỗi đoàn từ 300 đến 500 người. Tỉnh Hoà Bình huy động 5.000 dân công làm đường. Huyện Mỹ Đức (Hà Đông) mới được giải phóng nhưng đã có 800 người tình nguyện đi dân công phục vụ chiến dịch. Huyện Gia Viễn (Ninh Bình) huy động được đội xe đạp thồ 150 chiếc làm nhiệm vụ vận chuyển lương thực. Tính chung trong chiến dịch, ngoài 16 đại đội ôtô vận tải của quân đội, các phương tiện thô sơ của các địa phương là lực lượng hết sức quan trọng và hiệu quả vận chuyển vật chất cho chiến dịch. Điển hình là hơn 2 vạn xe đạp thồ của các địa phương - một phương tiện vận tải độc đáo trong chiến tranh nhân dân ở Việt nam. Ngoài việc tham gia vận tải gạo, đạn cho chiến trường, lực lượng dân công còn tích cực tham gia vận chuyển thương binh ra hậu cứ để cứu chữa, trực tiếp vào tận chiến hào để phục vụ chiến đấu.
 
Tổng kết toàn chiến dịch, khối lượng vật chất của nhân dân cả nước huy động cho chiến dịch là 23.126 tấn gạo, 266 tấn muối, 992 tấn thịt, 800 tấn rau, 917 tấn thực phẩm khác,… Huy động 216.451 lượt dân công bằng 12 triệu ngày công. 20.991 xe đạp thồ, 736 xe súc vật kéo, 11.400 thuyền bè mảng.[4] Vậy là, vấn đề khó khăn nhất và cũng là bài toán hóc búa nhất trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã được hoá giải bằng chính sức mạnh và sự đồng tâm hiệp lực của đồng bào cả nước, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Đánh giá về kỳ tích này, tướng Pháp Y.Gra nhận xét rất đúng rằng “Cả dân tộc Việt Nam đã tìm ra giải pháp cho vấn đề hậu cần và giải pháp này đã làm thất bại mọi toan tính cũng như dự kiến của Bộ tham mưu Pháp”[5].
 
Như vậy, sau chín năm làm theo lời hiệu triệu của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân dân cả nước không phân biệt già, trẻ, gái, trai, tôn giáo, đảng phái, dân tộc… đều nhất tề đứng dậy với tinh thần “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc ta đã kết thúc bằng chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Thắng lợi đó là kết quả tổng hợp của nhiều nguyên nhân, trong đó đoàn kết là nhân tố quan trọng hàng đầu đưa đến thắng lợi của quân và dân ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nhờ có sự đoàn kết chặt chẽ và anh dũng hy sinh của toàn quân và toàn dân ta, chúng ta đã đại thắng ở Điện Biên Phủ”.
 
Còn từ phía bên kia, người trực tiếp đề xuất và chỉ đạo thực hiện Kế hoạch Nava cũng phải thừa nhận: “Về mặt chính trị…sức mạnh to lớn của Việt Minh nằm ở trong tinh thần dân tộc và cả xã hội. Còn chúng ta, chưa bao giờ ta có tính liên tục của những người lãnh đạo. Suốt bảy năm nay (1946 – 1953) đối phương chỉ có một lãnh tụ chính trị duy nhất là Hồ Chí Minh và Tổng Chỉ huy quân sự duy nhất là Võ Nguyên Giáp, trong khi chúng ta thay đổi liên tục 19 chính phủ, 5 cao uỷ Đông Dương… 6 tổng chỉ huy mà tôi là người thử 7… Một yếu tố nữa trong vị trí chính trị của chúng ta là sự chia rẽ nội bộ ở các nước liên kết, rồi đến chia rẽ giữa các lợi ích của Pháp ở các nước này”, trong khi phải “đối diện với một kẻ thù rất thống nhất về chính trị, năng động và quyết tâm đạt đến mục tiêu bằng mọi cách, còn chúng ta lại là một mặt trận không đoàn kết, có những khuynh hướng không rõ rệt và phân hoá, không có quyết tâm hoàn thành”[6].
 
 Ôn cố tri tân. Nếu trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, ý Đảng, lòng dân đã kết thành một khối thống nhất để làm nên thắng lợi, tiếp nối truyền thống chống giặc ngoại xâm huy hoàng của dân tộc ta, thì truyền thống đó rất cần được trao truyền và phát huy lên một tầm cao mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Tuy nhiên, cũng cần phải thấy rằng, trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, việc động viên, tổ chức và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc có thuận lợi hơn vì khi đó mâu thuẫn dân tộc nổi lên hàng đầu, vấn đề bạn - thù, địch - ta phân biệt rõ ràng; mọi giai tầng trong xã hội đều có mục tiêu chung là độc lập, thống nhất của dân tộc, tự do của nhân dân. Mâu thuẫn giai cấp ở nước ta khi đó tuy có tồn tại nhưng không gay gắt, một mất một còn như ở nhiều nước khác... Mọi thành phần dân tộc, mọi người dân đều gác lại những bất đồng chính kiến để cùng nhau xả thân vì nghĩa lớn “dân tộc trên hết”, “Tổ quốc trên hết”.
 
Ngày nay, tinh thần xã hội có phức tạp hơn. Trong nền kinh tế nhiều thành phần, mặt trái của cơ chế thị trường và cả tệ nạn quan liêu, tham nhũng trong bộ máy nhà nước, đã làm cho sự phân hóa giàu nghèo, bóc lột, bất công trong xã hội tăng lên nhanh chóng và bất thường. Một số người Việt Nam định cư ở nước ngoài cũng còn mặc cảm, định kiến, ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình hòa hợp dân tộc. Điều đó phát sinh mâu thuẫn, ảnh hưởng đến việc xây dựng và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
 
 Để tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc được phát huy trong điều kiện mới, Đại hội XII của Đảng đã khẳng định: “Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Đại hội chủ trương: “Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng lãnh đạo. Phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” làm điểm tương đồng; tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia - dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước, tăng cường quan hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước, tạo sinh lực mới của khối đại đoàn kết dân tộc”[7].
 
Đường lối chiến lược đã được vạch ra, mẫu số chung để quy tụ và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc cũng đã được xác định. Chúng ta tin tưởng rằng, với một Đảng đã biết biến quyết tâm của mình thành quyết tâm của cả một dân tộc để dân tộc đó đứng lên đem hết “tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải” để giữ vững nền độc lập, thì Đảng ấy chắc chắn sẽ biết biến mục tiêu, lý tưởng của mình thành quyết tâm và hành động của cả dân tộc để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội trên đất nước ta./.
 
_____________________________________________________________________
 
 
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2011, tập 4, tr. 534.
 
[2] Đảng uỷ Quân sự Trung ương - Bộ Quốc phòng: Một số văn kiện chỉ đạo chiến cuộc Đông Xuân 1953 – 1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ, Nxb. Quân đội nhân dân Việt Nam, H.2004, tr.88.
 
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn Toàn tập, tập 14, Nxb CTQG, H, 2001, tr.8.
 
[4] . Tổng cục Hậu cần: Lịch sử hậu cần Quan đội nhân dân Việt Nam, tập1, Nxb. Quân đội nhân dân, H.1995, tr.290.
 
[5] . Sự thật về những lần xuất quân của Trung Quốc và quan hệ Việt - Trung, Nxb Đà Nẵng, 1996, tr.39.
 
[6 Theo Lê Kim, Tướng Nava với trận Điện Biên, Nxb QĐND, H. 1994, 17, 18, 20
 
[7] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr 158-159.

 

Theo http://www.tuyengiao.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 4.751.984
Truy cập hiện tại 502