Tìm kiếm tin tức
 
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Tăng cường chỉ đạo ứng phó với bão số 6 và mưa lũ trên diện rộng
Ngày cập nhật 12/10/2020

Chủ tịch UBND huyện vừa ban hành Công điện 4507/CĐ-UBND về việc tăng cường chỉ đạo ứng phó với bão số 6 và mưa lũ trên diện rộng, nội dung Công điện như sau:

Theo tin từ Đài Khí tượng thuỷ văn tỉnh Thừa Thiên Huế, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão số 6, khu vực đổ bộ từ Quảng Nam đến Quảng Ngãi, vào khoảng 16 giờ chiều hôm nay 11/10 bão sẽ đổ bộ vào đất liền và huyện Phú Lộc nằm trong rìa bão nên có gió xoáy, gió giật mạnh. Trong ngày hôm nay 11/10 đến ngày 14/10 trên đất liền Thừa Thiên Huế tiếp tục có mưa to đến rất to, mực nước các sông trên địa bàn tỉnh đang lên trở lại gây ngập lụt trên diện rộng, diễn biến phức tạp và có khả năng kéo dài. Trên đất liền tỉnh ta có gió mạnh cấp 5, cấp 6, giật cấp 7, cấp 8. Vùng biển ngoài khơi có gió mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 9, biển động mạnh.

Để chủ động ứng phó với bão số 6 và mưa lũ trên diện rộng nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản và tính mạng của nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện yêu cầu các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện, các thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn triển khai thực hiện các nội dung sau:

1. Thực hiện nghiêm túc nội dung Công điện khẩn số 14/CĐ-UBND ngày 10/10/2020 của UBND tỉnh về tiếp tục tăng cường chỉ đạo ứng phó với mưa lũ đặc biệt lớn (lũ lịch sử) và áp thấp nhiệt đới (nay đã mạnh lên thành bão số 6); Công điện số 04/CĐ-PCTT hồi 7 giờ 00 ngày 11/10/2020 của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh về việc chủ động ứng phó với bão số 6 và mưa lũ trên diện rộng; Công điện số 03/CĐ-PCTT ngày 06/10/2020 của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện về việc chủ động ứng phó với mưa lũ xảy ra trên diện rộng.

2. Theo dõi, cập nhập thường xuyên diễn biến của bão số bão số 6 và mưa lũ, thông tin kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân và chính quyền các cấp biết, chủ động phòng tránh phù hợp.

3Nghiêm cấm tất cả tàu thuyền ra khơi; hướng dẫn người dân neo đậu tàu thuyền đảm bảo an toàn; quản lý chặt chẽ số ghe thuyền của các xã bãi ngang ven biển, đầm phá.

4. Tổ chức kiểm tra chợ, kho tàng, nhà xưởng, Phano áp phích, hệ thống các cột anten, công sở, di tích văn hoá; hỗ trợ và hướng dẫn người dân giằng chống nhà cửa, chặt tỉa cành cây (đặc biệt là các khu vực ven biển, ven đầm phá nơi chịu ảnh hưởng của gió giật mạnh); cảnh báo các lều trại, khu vực nuôi trồng thủy sản trên đầm phá, tuyệt đối không để người dân ở trên các lồng bè nuôi trồng thuỷ sản khi bão đến. Triển khai phương án đảm bảo an toàn cho các công trình, nhà cửa; đảm bảo an toàn giao thông, an toàn lưới điện, thông tin liên lạc.

5. Tiếp tục khẩn trương triển khai sơ tán các hộ dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất ven sườn núi, vùng sạt lở ven biển và đầm phá, ven sông suối, vùng thấp trũng vùng hạ du Hồ Truồi, Hồ chứa nước Thủy Yên đến nơi trú ẩn an toàn; tổ chức kiểm tra việc đảm bảo an toàn cho nơi sơ tán đến, khu vực bị ảnh hưởng nước dâng ven biển;

Tiếp tục kê kích các vật dụng, bảo vệ tài sản của nhân dân lên cao trong đó chú ý kiểm tra các điều kiện đảm bảo trong trường hợp phải sơ tán dài ngày; dự trữ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, y tế. Khẩn trương rà soát, thống kê các hộ dân vùng ngập lụt, các hộ di dời, sơ tán dài ngày có nguy cơ thiếu lương thực, nhu yếu phẩm báo cáo về UBND huyện để có phương án hỗ trợ khẩn cấp.

6. Phòng Giáo dục và Đào tạo chủ động thông báo hiệu trưởng trường học các cấp tiếp tục cho học sinh nghỉ học đảm bảo an toàn.

7. Trung tâm Y tế huyện, Bệnh viện Chân Mây, các trạm Y tế xã, thị trấn chuẩn bị đầy đủ thuốc chữa bệnh, lực lượng y, bác sỹ, phòng cấp cứu để điều trị bệnh nhân khi thiên tai xảy ra; đồng thời, có phương án điều chuyển các bệnh nhân nặng lên tuyến trên để đảm bảo điều trị an toàn.

8. Bố trí lực lượng túc trực 24/24 tại các ngầm, tràn, các đoạn đường thường bị ngập lụt, các bến đò ngang để bảo vệ người và phương tiện tham gia giao thông.

9. Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão hồ Truồi, hồ Thủy Yên tổ chức trực ban theo dõi diễn biến của thời tiết, thực hiện nghiêm túc Quy trình vận hành đã được phê duyệt đảm bảo an toàn công trình và an toàn vùng hạ du.

10. Chuẩn bị lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng tham gia ứng cứu khi có yêu cầu. Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 để đảm bảo an toàn tài liệu, tài sản cơ quan, có kế hoạch ứng phó với mọi diễn biến xấu của thời tiết và thường xuyên báo cáo mọi tình huống về Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện.

Yêu cầu các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện, các thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn tổ chức triển khai thực hiện các nội dung nêu trên. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương chịu trách nhiệm toàn diện về công tác ứng phó với bão số 6 và mưa lũ trên diện rộng trong cơ quan, đơn vị, địa phương của mình./.

Theo https://phuloc.thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 4.658.058
Truy cập hiện tại 1.944