Mứt gừng Lương Viện
Ngày cập nhật 22/01/2016
Tất bật trộn gừng đóng bao bì

 Những ngày cận kề năm mới, người dân làng Lương Viện (xã Vinh Hưng, Phú Lộc) lại tất bật với việc làm mứt gừng.

 Tất bật vào mùa
 
 Như mọi năm, từ đầu tháng 11 Âm lịch cho đến hết ngày 26, 27 Tết, cả làng Lương Viện bắt đầu công việc làm mứt gừng. Người già, trẻ con gọt vỏ gừng, đàn ông thực hiện công việc cắt gừng ra từng lát… Những “dây chuyền” sản xuất mứt gừng hộ gia đình làm cho không khí trong làng thêm nhộn nhịp, tất bật.
 
 Tuy không phải là nghề “cha truyền con nối”, nhưng nghề làm mứt gừng của làng tồn tại trên 10 năm nay. Bắt đầu từ việc làm 10- 15kg để bán trong các chợ làng, sau khi nhận thấy người tiêu dùng ưa chuộng bởi vị ngon đặc trưng, nhu cầu dùng mứt gừng ngày Tết ngày càng cao, nên bà con trong làng tăng số lượng lên nhiều hơn. Và sau hơn 10 năm, giờ đây, mứt gừng ở làng Lương Viện được nhiều người ưa chuộng, thị trường cũng được mở rộng ra các tỉnh như Đắc Lắc, Quảng Nam, Đà Nẵng... “Mứt mình làm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, dùng chanh để tẩy gừng nên lát mứt ăn cay nồng ấm, giòn thơm không bị mất đi vị cay tự nhiên”, bác Trương Thanh Lâm, một hộ làm mứt gừng chia sẻ. Bác Lâm còn cho biết, mấy tháng gần Tết, các mối đã đặt hàng trước. Mứt làm ra luôn được các thương lái lấy liền, nhiều khi mứt làm không kịp để nhập đi theo các chuyến xe hàng”.
 
 Nguyên liệu làm mứt là gừng tươi được lấy từ nhiều vùng trong và ngoài tỉnh, giá từ 30.000 - 33.000 đồng/kg. Trong khi lượng cầu hằng năm tăng lên và sản phẩm làm ra của người dân cũng dư thừa, nhưng có những năm do lượng gừng tươi không đủ đáp ứng khiến bà con thất thu. Ông Hồng Quang Bửu tiếc: “Mọi năm, người ta đặt cho gia đình tôi ngày hơn 3 tạ mứt, tuy nhiên chỉ có thể sản xuất ngày 1 tạ thôi”. Mứt gừng ở làng Lương Viện được sản xuất theo cách thủ công và chế biến theo từng hộ gia đình. Với giá bán sỉ 53.000 đồng/kg và bán lẻ 55.000 đồng/kg, trung bình mỗi ngày mỗi hộ kiếm được từ 250.000 - 350.000 đồng. Để kịp cung ứng sản phẩm ra thị trường, trong thời gian hai tháng cao điểm, mỗi hộ thuê từ 5-7 nhân công.
 
 Trong tổng số 184 hộ dân của thôn Lương Viện, có khoảng 30 hộ sản xuất mứt gừng với số lượng tương đối lớn. Còn lại nhiều hộ khác tự làm ra để phục vụ những ngày Tết.
 
 Cần một thương hiệu
 
Tuy hiệu quả kinh tế từ nghề làm mứt đem lại khá cao nhưng lại không thường xuyên. Đến nay, nghề làm mứt gừng ở Lương Viện chỉ mang tính tự phát, hoạt động dựa trên kinh nghiệm và thời vụ của mỗi gia đình. Mứt gừng làng vẫn chưa có một thương hiệu riêng. Nhãn mác được gắn trong mỗi gói sản phẩm mứt chỉ được đề chung chung là “Mứt gừng Huế, Địa chỉ: Vinh Hưng, Phú Lộc, Thừa Thiên Huế”.
 
Vẫn biết là làm mứt theo thời vụ, chỉ làm trong những dịp giáp Tết, tuy nhiên khi mang một thương hiệu riêng thì vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ được đảm bảo không những thế, sẽ đem lại uy tín và sức cạnh tranh trong thị trường sản phẩm bánh mứt đa dạng và phong phú như hiện nay. Phó Chủ tịch xã Vinh Hưng Trần Đình Minh cho biết: “Xã đã có kế hoạch lập đề án xây dựng thương hiệu cho mứt gừng làng Lương Viện. Sắp tới, sẽ xây dựng mô hình trồng gừng ngay tại địa phương để đáp ứng nguồn cung cấp nguyên liệu làm mứt cho người dân”.
Bài, ảnh: Thúy Kiều
Các tin khác
Xem tin theo ngày