Tìm kiếm tin tức
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 4.700.642
Truy cập hiện tại 1.483
Công điện số 04/CĐ-PCTT ngày 15/10/2020 của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện về việc chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lũ trên diện rộng
Ngày cập nhật 15/10/2020

Từ ngày 6/10 đến ngày 13/10, trên địa tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung và huyện Phú Lộc nói riêng đã có mưa to đến rất to trên diện rộng với lượng mưa phổ biến từ 1.500 - 2.000mm, có nơi cao hơn như Bạch Mã 2.869mm. Mực nước trên các sông lên nhanh kết hợp triều cường đã gây ra một đợt lũ đặc biệt lớn trên diện rộng.

 

Theo tin từ Đài Khí tượng thuỷ văn tỉnh Thừa Thiên Huế; hồi 01 giờ ngày 15/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) ở khoảng 14,0 độ Vĩ Bắc; 121,5 độ Kinh Đông, ngay trên khu vực miền Trung Phi-líp-pin. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8. Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, ATNĐ di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi khoảng 20km và có khả năng mạnh lên thành bão; biển động mạnh, sóng cao, triều cường, đề phòng gió mạnh.

Dự báo từ chiều ngày 16/10 đến ngày 19/10, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới hoạt động mạnh, hoàn lưu ATNĐ gây mưa to đến rất to trên diện rộng. Tổng lượng mưa cả đợt phổ biến 300 - 500mm, có nơi trên 600mm; nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất vùng núi, ven sông, ven biển. Tình hình mưa lũ dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp cho đến 21-24/10.

Để chủ động ứng phó với ATNĐ và mưa lũ trên diện rộng, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản và tính mạng của nhân dân, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện đề nghị các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện, các thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn triển khai thực hiện các nội dung sau:

1. Thực hiện nghiêm túc nội dung Công điện số 05/CĐ-PCTT hồi 9 giờ 00 ngày 15/10/2020 của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh về việc chủ động ứng phó với mưa lũ, bão.

2. Khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ vừa qua; tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại; huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ. Tổ chức hỗ trợ lương thực, thực phẩm không để người dân bị thiếu đói. Kiểm soát, hướng dẫn, hỗ trợ bảo đảm an toàn giao thông tại các khu vực bị sạt lở, ngập sâu. Tập trung khôi phục công trình hạ tầng bị hư hỏng, đặc biệt là công trình hạ tầng dân sinh thiết yếu như giao thông, thủy lợi, điện, nước, y tế, giáo dục để phục vụ sinh hoạt cho người dân.

Huy động tối đa lực lượng, phương tiện tổ chức thu gom rác thải, dọn sạch bùn đất, tiêu độc khử trùng, tổng vệ sinh môi trường theo phương châm “nước xuống đến đâu làm vệ sinh đến đó”. Khẩn trương thống kê, đánh giá thiệt hại về tài sản, hoa màu, thủy sản, công trình hạ tầng cơ sở, thủy lợi, giao thông trên địa bàn và đề xuất các nhu cầu khắc phục theo mẫu quy định tại Thông tư số 43/2015/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT ngày 23/11/2015 của liên Bộ Nông nghiệp và PTNT – Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

3. Theo dõi, cập nhập thường xuyên diễn biến của thời tiết, thông tin kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân và chính quyền các cấp biết, chủ động phòng tránh phù hợp.

4. Nghiêm cấm tất cả tàu thuyền ra khơi; hướng dẫn người dân neo đậu tàu thuyền đảm bảo an toàn; quản lý chặt chẽ số ghe thuyền của các xã bãi ngang ven biển, đầm phá.

5. Thực hiện “phương châm 4 tại chỗ”, cần lưu ý thêm “phương châm tự quản tại chỗ”. Kiểm tra, rà soát kế hoạch sơ tán các hộ dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ven sườn núi, gò đồi, ven sông suối, ven biển, vùng thấp trũng có nguy cơ ngập lụt sâu đến nơi trú ẩn an toàn; trong đó, chú ý các trường hợp, đối tượng dễ bị tổn thương, người già, người khuyết tật, trẻ em, phụ nữ đang mang thai để đảm bảo sơ tán đến nơi an toàn trước khi lũ lên cao. Kiểm tra các điều kiện an toàn khi sơ tán dài ngày do mưa lũ diễn biến phức tạp;

Việc sơ tán dân ra phải được hoàn thành trước 13h00 ngày 16/10/2020, báo cáo kết quả thực hiện về UBND huyện để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.

5. Tổ chức kiểm tra chợ, kho tàng, nhà xưởng, hệ thống các cột anten, công sở; hỗ trợ và hướng dẫn người dân giằng chống nhà cửa, chặt tỉa cành cây (đặc biệt là các khu vực ven biển, ven đầm phá nơi chịu ảnh hưởng của gió giật mạnh). Triển khai phương án đảm bảo an toàn cho các công trình, nhà cửa; đảm bảo an toàn giao thông, an toàn lưới điện, thông tin liên lạc. Tổ chức dự trữ bổ sung về lương thực, thực phẩm, mì ăn liền, y tế và các nhu yếu phẩm khác để phục vụ nhân dân.

6. Phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo hiệu trưởng trường học các cấp tổ chức dọn vệ sinh trường lớp; đồng thời theo dõi diễn biến mưa bão để chủ động cho học sinh nghỉ học đảm bảo an toàn.

7. Trung tâm Y tế huyện, Bệnh viện Chân Mây, các trạm Y tế xã, thị trấn chuẩn bị đầy đủ thuốc chữa bệnh, hóa chất xử lý môi trường, trang thiết bị, phương tiện, dụng cụ cấp cứu; huy động lực lượng y, bác sỹ túc trực tại đơn vị, chuẩn bị phòng cấp cứu để điều trị bệnh nhân khi lụt bão xảy ra; đồng thời, có phương án điều chuyển các bệnh nhân nặng lên tuyến trên để đảm bảo điều trị an toàn.

8. Bố trí lực lượng túc trực 24/24 tại các ngầm, tràn, các đoạn đường thường bị ngập lụt sâu, các bến đò ngang, khu vực nước chảy xiết để bảo vệ người và phương tiện tham gia giao thông; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn; nghiêm cấm các phương tiện giao thông lưu thông khi mưa lũ, gió mạnh xảy ra. 

9. Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão hồ Truồi, hồ Thủy Yên tổ chức trực ban theo dõi diễn biến của thời tiết, thực hiện nghiêm túc Quy trình vận hành đã được phê duyệt đảm bảo an toàn công trình và an toàn vùng hạ du.

10. Chuẩn bị lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng tham gia ứng cứu khi có yêu cầu. Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 để đảm bảo an toàn tài liệu, tài sản cơ quan, có kế hoạch ứng phó với mọi diễn biến xấu của thời tiết và thường xuyên báo cáo mọi tình huống về Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện./.

Theo http://phuloc.thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày